Sự phát triển não bộ của trẻ giai đoạn mang thai

Dù ở trong bụng mẹ, tác động bên ngoài đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của trẻ.

Dù vẫn còn ở trong bụng mẹ, những tác động bên ngoài đóng một vai trò quan trọng cho sự phát triển của trẻ. Vào tuần thứ 25 của thai kỳ, trẻ thường phản ứng lại các âm thanh bên ngoài, ví dụ như bài nhạc hoặc giọng nói của bạn, bằng cách đá hoặc động đậy. Mỗi lần trẻ cử động như vậy, các nơ-ron thần kinh được kích thích và chức năng vận động của cơ thể được tăng cường. Điều này dần tạo tiền đề cho những cử động có chủ ý, phức tạp và đòi hỏi nhiều phối hợp hơn mà bạn sẽ thấy trong năm đầu tiên trẻ ra đời

Sự phát triển não bộ ở thai nhi

Sau đây là một số đặc điểm bạn sẽ thấy ở trẻ giai đoạn mang thai.

Bộ não của trẻ phát triển với một tốc độ đáng kinh ngạc trong giai đoạn thai kì. Ở tuần thứ 4, não bộ có kích thước không to hơn một hạt muối là bao và cũng chỉ có thể đạt khoảng 6.4 mm vào tuần thứ 7. Thế nhưng ở giai đoạn 3 tháng cuối cùng của thai kì, kích thước này sẽ tăng đến 260%! Hầu hết sự phát triển này là do quá trình hình thành, tăng trưởng và phân chia nhanh chóng của tế bào não. Vào thời điểm ra đời, trẻ có khoảng 100 tỷ nơ-ron liên kết với nhau tạo thành một mạng lưới dẫn truyền thông tin được các nhà khoa học xếp vào loại cấu trúc sinh học phức tạp bậc nhất trên thế giới. Sau đây là một số điểm nổi bật về sự phát triển của não bộ mà bạn nên biết rõ mặc dù không thể nhìn thấy được.

Trí thông minh

Não bộ của trẻ bắt đầu phát triển từ tuần thứ 3 của thai kỳ, thời điểm mà các tế bào phân chia liên tục để hình thành phôi thần kinh. Cấu trúc này sẽ tự khép lại để tạo ra ống thần kinh, sau đó là não trước, não giữa, não sau và tủy sống. Vào tuần thứ 5 sau khi thụ thai, các nơ-ron, với nhiệm vụ xử lý và truyền đạt thông tin xuyên suốt hệ thần kinh trung ương, bắt đầu hình thành, phân chia và nhân lên trong khu vực não bộ của trẻ.

Giai đoạn phát triển mạnh nhất của nơ-ron thần kinh diễn ra trong khoảng 3 tháng giữa thai kì, khi có đến 250.000 đơn vị tế bào được tạo ra mỗi phút. Các nơ-ron bắt đầu di chuyển đến các vùng khác nhau của não bộ và đảm nhận những vai trò riêng biệt, chẳng hạn như xử lý âm thanh và lưu trữ ký ức, cũng như tạo lập mạng lưới kết nối với các nơ-ron khác.

Trong giai đoạn nước rút này, vỏ não – bao gồm các vùng liên quan đến những chức năng nâng cao, ví dụ như ngôn ngữ và tư duy trừu tượng – phát triển nhanh hơn các cấu trúc khác của não bộ. Đến tháng thứ 7 của thai kỳ, võ não có thể chứa đến 70% số lượng nơ-ron trong não thai nhi.

Đến tháng thứ 8, vỏ não thính giác, vỏ não thị giác và vùng Broca (một vùng não liên quan đến khả năng phát âm) bắt đầu vận hành, cho trẻ có được khả năng nhìn, nghe và nhận biết ngôn ngữ một cách sơ khai.

Kỹ năng vận động

Cơ thể của trẻ khi mới chào đời đã có đủ các chức năng sinh tồn. Não bộ và hệ thần kinh được phát triển đến mức có thể kiểm soát các phản xạ cơ bản và những chức năng sống còn như thở, bú mút, nuốt và ngủ. Nếu bạn để ý, các phản xạ vận động đã bắt đầu xuất hiện trong tháng thứ 3 của thai kỳ, khi mà trẻ có thể phản ứng với các kích thích bên ngoài bằng cách cử động tay hoặc đá chân của mình. Trong tháng thứ 7, sự myelin hóa bắt đầu với một loại chất béo đậm đặc bao bọc quanh dây thần kinh, cho phép các tín hiệu truyền dẫn với một tốc độ nhanh hơn. Những nơ-ron đầu tiên trải qua quá trình này nằm ở vùng vận động của não bộ, bao gồm thân não và tủy sống, và sẽ phát triển toàn diện nhất khi trẻ ra đời.

Điểm thú vị là ngay cả khi đang trong bụng mẹ, các kích thích bên ngoài có thể đóng một vai trò quan trọng trong sự hình thành phản xạ của trẻ. Ở tuần thứ 16, sự phát triển của tai giúp trẻ phát hiện được âm thanh mặc dù chưa thể hiểu được. Và ở tuần thứ 25, trẻ có thể sẽ phản ứng lại với những âm thanh ấy, chẳng hạn như bài nhạc và giọng nói của bạn, bằng cách đá hoặc động đậy. Các nơ-ron cụ thể khi đó đồng thời được vận hành và thúc đẩy hình thành mạng lưới liên kết. Với những cử động như vậy, chức năng vận động của cơ thể được tăng cường và dần tạo tiền đề cho những cử động có chủ ý, phức tạp và đòi hỏi nhiều phối hợp hơn mà bạn sẽ thấy trong năm đầu tiên trẻ ra đời.